Trải dài trên đất nước hình chữ S, Việt Nam nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống như: Làng nghề đúc đồng; Làng Tranh Đông Hồ, Làng tranh Sơn mài,… Đặc biệt phải kể đến đó là nghề Thêu tay. Thêu tay là một trong những nghề thủ công vừa mang nét đẹp truyền thống vừa giàu giá trị thẩm mỹ đã làm ngây ngất biết bao tâm hồn người yêu nghệ thuật.
Theo sách sử ghi chép, ông Tổ nghề Thêu của Việt Nam là Lê Công Hành, trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, lúc bị nhốt lại trên một lầu cao trong thành, ông đã học được cách làm lọng và kỹ thuật thêu của Trung Quốc lúc bấy giờ.
Ông Lê Công Hành - Ông Tổ nghề Thêu Việt Nam. (Ảnh nguồn Internet)
Sau khi về nước, ông bắt đầu truyền nghề thêu đã học được cho con cháu và người dân ở làng mình. Từ đó nghề thêu trở nên phổ biến và phát triển hơn và dần trở thành nghề truyền thống của cả vùng.
Nghệ nhân thêu tranh làng Văn Lâm, Ninh Bình.
Vào những năm nghề thêu phát triển cực thịnh, sản phẩm làng nghề vang danh khắp cả nước, thể hiện óc sáng tạo và trình độ tay nghề đạt mức tinh xảo. Từ thế kỷ 17, nghề thêu phát triển rộng khắp cả nước. Với những biến động của lịch sử, có lúc nghề thêu bị mai một, song đến ngày nay nghề thêu vẫn được các nghệ nhân gìn giữ để duy trì những nét tinh hoa của nghề truyền thống.
Trong thời phong kiến, nghề thêu là một trong những nghề phục vụ cho vua chúa và các bậc triều thần. Tại thời điểm này, nghề thêu được biết đến rất nhiều qua những bộ trang phục với đường thêu tinh xảo, hoa văn sắc nét. Từ trang phục thượng triều đến trang phục thường ngày của vua chúa, đại thần, các mẫu trang phục của hoàng hậu, hoàng gia đến các tiểu thư khuê các đều được thêu rất bắt mắt và sang trọng tùy theo địa vị của mỗi người.
Để có thể tạo ra các hoa văn trên loại vải lúc bấy giờ, đòi hỏi người thợ phải có sự sáng tạo và nhạy bén của mình. Làm thế nào để có thể thêu được những đường nét sắc sảo, sống động thì điều tiên yếu chính là chỉ thêu.
Sợi chỉ thêu vào thời đó được nhuộm hoàn toàn bằng nguyên liệu thiên nhiên như cây chàm, củ nâu, vỏ bang, đá mài, hoa hòe… Nhờ những màu sắc thiên nhiên đã tạo nên đầy đủ các màu chỉ tưởng như không thể tạo ra, làm cho các họa tiết trên trang phục thêu lúc bấy giờ rất đẹp, các hình ảnh được thể hiện chi tiết, trông như thật.
Một tác phẩm thêu hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải tiến hành rất nhiều công đoạn như: vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu rồi mới tiến hàng thêu. Công đoạn vẽ mẫu thêu trên vải rất khó, vì vậy nghệ nhân thêu gần như phải đồng thời là họa sĩ.
Kỹ thuật thêu tay truyền thống bao gồm 9 kỹ thuật cơ bản: nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt đơn – sa hạt kép, khoắn vảy đơn – khoắn vảy kép và chăng chặn. Công phu nhất là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng.... sao cho các đường chỉ đan vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc lá, đài hoa luôn đều đặn.
Thời gian để hoàn thiện một tác phẩm thêu tay phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Tay nghề của nghệ nhân thêu, độ phức tạp, độ khó trong kỹ thuật thêu. Thời gian ngắn hay dài còn phụ thuộc kích thước và họa tiết nhiều hay ít – mật độ chỉ thêu trên vải như thế nào… Chỉ bằng cây kim, sợi chỉ, những người thợ thêu tay tài hoa đã khắc họa nên những cây đa, bến nước, con thuyền… một cách mềm mại, sống động như thật.
Những tác phẩm thêu tay truyền thống được làm ra đòi hỏi người nghệ nhân phải có tay nghề, sáng tạo, khéo léo và tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ. Vì thế để có thể có được một sản phẩm hoàn thiện tốn rất nhiều thời gian và công sức. Điều đó chính là yếu tố làm nên những giá trị không thể đong đếm được ẩn trong mỗi tác phẩm mà bạn sẽ vô cùng thích thú khi sở hữu.
Các đề tài phong phú và đa dạng trong cuộc sống đều được người thợ phản ánh chân thực thông qua những tác phẩm thêu tay với đường nét tinh tế, từ cảnh vật đến con người.
Với chất liệu (chỉ, vải) ngày một phong phú, với ý thức sáng tạo nghệ thuật, người nghệ nhân đã dần biến tranh thêu vươn đến đỉnh cao của nghệ thuật. Không chỉ là những đường kim mũi chỉ, tranh thêu đã thể hiện được cả những thăng trầm của thời gian, tái hiện những biến cố của lịch sử. Đồng thời, mỗi tác phẩm thêu chỉ còn ẩn dấu vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, vẻ đẹp mộc mạc và giản dị và cả tình người chân thành nồng ấm của người Việt Nam…
Bằng những đường kim, mũi chỉ, người nghệ nhân đã đưa vào tác phẩm thêu đời sống nội tâm, những trăn trở đời thường đầy tính nhân văn, khiến tác phẩm trở nên sinh động, có hồn. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ Việt Nam đã đem đến cho bạn bè thế giới những hình ảnh sống động về thiên nhiên, con người qua những tác phẩm thêu. Thêu tay xứng tầm là một nghề truyền thống mang đậm văn hóa Việt vươn ra ngoài thế giới.
Top